Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi là chủ cơ sở Spa, tôi có được tổ chức đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp (trình độ sơ cấp) và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên theo học tại Spa hay không, nhờ Luật sư tư vấn giúp, cảm ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH MTV Không Gian Luật cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Để cơ sở Spa được tổ chức dạy nghề chăm sóc sắc đẹp trình độ sơ cấp và cấp chứng chỉ cho học viên sau khi kết thức khóa học thì cơ sở Spa của bạn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiêp, cụ thể:
I. Các điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp:
Căn cứ vào Điều 14, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm.
- Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề đang tổ chức đào tạo.
II. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị.
Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
- Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (theo mẫu phụ lục III, NĐ 143/2016)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao điều lệ doanh nghiệp;
- Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Phụ lục Va NĐ 143/2016) bao gồm:
- 4.1. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo (các tài liệu chứng minh có mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo);
4.2. Giáo viên tham gia đào tạo: Văn bằng đào tạo chuyên môn, chứng chỉ sư phạm, hợp đồng làm việc;
4.3. Chương trình, trình độ đào tạo, thời gian đào tạo, đối tượng tuyển sinh;
- 4.4. Danh mục các loại giáo trình, tài liệu giảng dạy của từng ngành/nghề.
- 4.5. Cấp, in và quản lý chứng chỉ sơ cấp theo quy định.
Lưu ý:
Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở đào tạo sơ cấp, kèm theo mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải xác nhận vào từng mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp. Trường hợp không xác nhận, phải có văn bản gửi cơ sở đào tạo sơ cấp, nêu rõ lý do. (Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH)
Quá thời hạn trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không xác nhận hoặc không có văn bản trả lời, cơ sở đào tạo sơ cấp được quyền in, sử dụng chứng chỉ sơ cấp, bản sao chứng chỉ sơ cấp theo mẫu phôi đã gửi
III. Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp:
1. Nộp hồ sơ đăng ký hoạt động (01 bộ) tai Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của cơ sở dạy nghề.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.
Trên đây là hướng dẫn mang tính chất tham khảo về thủ tục thành lập cơ sở dạy nghề sơ cấp hiện nay. Nếu còn điều gì băn khoăn, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline : 0938216546 để được tư vấn nhanh chóng.