Xin hỏi: Khi phân chia di sản thừa kế mà có người thuộc hàng thừa kế chưa được sinh ra thì có được hưởng thừa kế không?
Luật sư tư vấn quyền thừa kế của thai nhi
Công ty Không Gian Luật cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Và Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phân chia di sản theo pháp luật như sau:
(i) Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
(ii) Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Như vậy, Căn cứ vào quy định nêu trên, người đã thành thai tức thai nhi trước khi người để lại di sản thừa kế chết thì vẫn được hưởng di sản thừa kế; Nếu thai nhi mất trước khi sinh ra, thì những người thừa kế khác được hưởng phần thừa kế đó.
Thai nhi được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp nào?
1. Trường hợp thừa kế theo di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp uật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, người đã thành thai nhưng trong di chúc không đề cập đến việc hưởng di sản thì sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 644 nêu trên;
2. Trường hợp thừa kế theo pháp luật:
Trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được phân chia cho các hàng thừa kế theo pháp luật, được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vây, con chưa sinh ra nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế. Đồng thời, tùy theo từng trường hợp mà người đã thành thai có thể sẽ được thừa kế phần di sản theo nội dung di chúc hoặc được thừa kế phần di sản bằng với những người cùng hàng thừa kế khác theo quy định.
Trên đây là phần tư vấn mang tính tham khảo của đội ngũ chúng tôi, nếu có thêm thắc mắc cần giải đáp, xin vui lòng liên hệ đến hotline: 0938.216.546 hoặc 028.6295.6051 để được hỗ trợ.